Thanh toán không tiền mặt – xu hướng tất yếu của nền kinh tế số
Tiện dụng, dễ dùng, mang lại lợi ích về kinh tế, minh bạch, bảo mật… – thanh toán không dùng tiền mặt hay các dịch vụ thanh toán trung gian đang là xu hướng tất yếu khi có thể đáp ứng cùng lúc rất nhiều nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại…
“Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt. Dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật”. Đây là nhận định quan trọng mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng từng phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”.
“Trong thời gian qua, NHNN đã quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh phát triển thanh toán không tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong các mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021” – Ông Dũng cho biết thêm.
Liên quan chủ đề này, trong một bài phân tích được đăng tải trên website chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS. Dương Hồng Phương từng nhận định: Dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ hỗ trợ hoạt động thanh toán rất mới, xuất hiện và phát triển khá nhanh cùng với sự phát triển rất ngoạn mục và ứng dụng thực tiễn của khoa học công nghệ thông tin và công nghệ viễn thông vào lĩnh vực dịch vụ thanh toán.
Cũng trong bài viết này, TS Phương nhấn mạnh: Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ viễn thông và tin học hiện đại để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giản đơn, tiện lợi và hiệu quả của đại bộ phận khách hàng như: Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, Ví điện tử… từ đó góp phần tích cực thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại điện tử, du lịch văn hóa, thể thao giải trí… trong nền kinh tế.
Tổng hợp những nhận định quan trọng mang tính xâu chuỗi, nhìn lại xu hướng mua sắm và thanh toán hiện đại cả quá trình hơn 10 năm trở lại đây, ông Võ Quang Hòa, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và TS. Nguyễn Văn Ngọc, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang cho biết: Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và hệ thống Internet toàn cầu, phương thức mua sắm hàng hóa và thanh toán truyền thống của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Không gian, thời gian mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng không còn bị ràng buộc và giới hạn. Họ có thể mua hàng hóa và dịch vụ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Cùng với thương mại điện tử, các giao dịch trong hoạt động kinh doanh cũng thay đổi từ hình thức giao dịch bằng tiền mặt truyền thống chuyển sang giao dịch bằng tiền điện tử. Trên nền tảng thương mại điện tử, các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh như B2B hoặc B2C tiếp tục phát triển, hình thức thanh toán điện tử xuất hiện để thay thế giải pháp thanh toán bằng tiền mặt như lâu nay.
Từ năm 2010 đến nay, người tiêu dùng đã có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… Các hình thức thanh toán không ngừng phát triển, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như Internet Banking, Mobile Web Payment, QR Code, NFC và mPOS. Việc người tiêu dùng chuyển phương thức thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp như tiết kiệm thời gian giao dịch tại ngân hàng và giảm tình trạng phạm tội liên quan tới tiền mặt; các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi đáng kể từ hình thức giao dịch mới này so với việc tiếp nhận tiền mặt và séc; một xã hội không tiền mặt, sẽ tiết giảm chi phí cho nền kinh tế, tỷ lệ tội phạm giảm và không có lỗ hổng pháp lý sẽ tạo thuận lợi cho các chính phủ nếu chuyển sang hình thức thanh toán trực tuyến. Có thể thấy rằng, thanh toán điện tử là một phần quan trọng nhất và không thể tách rời của thương mại điện tử. Thanh toán điện tử trở thành hình thức chủ yếu được sử dụng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến trên nền tảng của hệ thống Internet.
Liên quan đến xu hướng này, ông Hoàng Thế Thanh, CEO của AST Group, đơn vị nghiên cứu và phát triển ứng dụng CashPlus – một tân binh đang thu hút sự chú ý trong lĩnh vực thanh toán điện tử thời gian gần đây phân tích thêm, thị trường kinh doanh bán lẻ Offline chiếm đa số tại Việt Nam (năm 2022 có giá trị 202 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng thị trường bán lẻ), tuy nhiên đang gặp khó khăn rất lớn vì chi phí cao. Do vậy, các cơ sở kinh doanh đang rất cần những giải pháp công nghệ để tiết giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro nhưng lại tăng được doanh thu và lợi nhuận như mô hình ứng dụng của App. Bên cạnh đó, bối cảnh hiện nay cho thấy, kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn suy thoái nên các khoản chi tiêu của người dân đều bị cắt giảm, dẫn đến nhu cầu sử dụng App để tiết kiệm tiêu dùng sẽ tăng cao. Đây cũng là lý do AST Group dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và phát triển CashPlus, một ứng dụng thanh toán tiện lợi với ưu thế nổi trội là hoàn tiền ngay lập tức cho các giao dịch thanh toán của người tiêu dùng.
Về các công nghệ thanh toán hiện đại, ông Thanh tự tin rằng đã có những bước tiến vượt bậc giúp các ứng dụng thanh toán như CashPlus đáp ứng toàn diện mọi yêu cầu. Từ việc mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đến đảm bảo tính minh bạch và khả năng bảo mật. Ví dụ, số liệu hạch toán cập nhật ngay khi thực hiện lệnh thanh toán trên CashPlus, cho phép người dùng và người tham gia hưởng quyền lợi ngay từ giao dịch đó và biết rõ mình đã nhận được gì khi sử dụng ứng dụng. Đồng thời, công nghệ Blockchain mang lại lợi ích vượt trội về bảo mật và loại bỏ tình trạng gian lận trong các giao dịch.
Qua rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, từ các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên đại học cho đến CEO của tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian kể trên, có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đã dần trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế toàn cầu. Bắt kịp xu hướng này, Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu được ghi nhận.
Tuy nhiên, để mỗi người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của thanh toán điện tử, từ đó hình thành một cộng đồng tài chính tốt, theo bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), trong thời gian tới, truyền thông giáo dục tài chính cần tiếp tục hướng tới cộng chúng một cách rộng rãi hơn, trong đó chú ý đến học sinh, sinh viên, giới trẻ, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, người chưa có tài khoản ngân hàng… bằng nhiều giải pháp đa dạng, có tính lan tỏa, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, giảm thiểu rủi ro khi sử dụng dịch vụ. Đồng thời tiếp tục phối hợp các cơ quan, báo chí, hiệp hội, ngành nghề… tăng cường truyền thông giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.